Trong rất nhiều CV Got It nhận được cho đến nay, chỉ chưa đến ⅓ ứng viên có đính kèm đường link đến tài khoản LinkedIn — mạng xã hội tuyển dụng lớn nhất thế giới.
Dù vậy, theo khảo sát của Bullhorn, có đến 97% nhà tuyển dụng sử dụng LinkedIn để tìm nhân viên, trong khi chỉ có 37% ứng viên hoạt động tích cực trên LinkedIn — nghĩa là rất có thể, bạn đang bỏ lỡ một vũ khí bí mật trong công cuộc tìm việc. Chỉ riêng ở Got It, phải đến một nửa số nhân viên mới trong năm 2019 đã được tuyển thông qua LinkedIn.
Vậy làm sao để sử dụng và tận dụng LinkedIn? Hãy để Got It đưa đến những lời khuyên mà chúng mình đã góp nhặt được sau một thời gian dài “chinh chiến” trên mặt trận này nhé!
Mục lục
- Ba lời khuyên để nhà tuyển dụng tìm thấy bạn trên LinkedIn
- #1: KEYWORD!
- #2: Hoàn thiện tài khoản 100%
- #3: Cài Settings đúng chuẩn
- Bảy bước để có một tài khoản LinkedIn chỉn chu
- #1 Header (gồm Cover photo, Profile picture, Headline, Intro, About)
- #2 Background (gồm Experience, Education, Licenses & Certifications, Volunteer Experience)
- #3 Skills & Endorsements (Các kỹ năng và chứng thực)
- #4 Accomplishments
- #5 Additional Information — Recommendations (Tiến cử)
- #6 Supported Languages
- Một vài lời khuyên khác
- Một vài Q&A thường gặp
- Đăng ký nhận newsletter để không bỏ lỡ các bài viết bổ ích và thông tin mới nhất từ Got It
Ba lời khuyên để nhà tuyển dụng tìm thấy bạn trên LinkedIn
Khiến nhà tuyển dụng tìm ra bạn là bước đầu tiên cần làm khi sử dụng LinkedIn, bởi nếu không tìm ra bạn, làm sao họ có thể tuyển bạn về làm việc phải không?
#1: KEYWORD!
Hãy hình dung việc này giống như làm SEO. Nhà tuyển dụng tìm kiếm dựa trên từ khoá, và việc bạn cần làm là xuất hiện với đúng từ khoá đó trên trang tìm kiếm. Để làm được điều này, hãy đưa từ khoá vào profile của bạn. Ví dụ bạn là một JavaScript Developer, hãy đảm bảo keyword “JavaScript” xuất hiện ở các mục sau:
Headline (Tiêu đề) và Current Position (Vị trí công việc hiện tại)
About (Giới thiệu)
Experience (Kinh nghiệm)
Skills & Endorsements (Kỹ năng và chứng thực)
Projects, Education, Certificates (Dự án, Học vấn, Chứng chỉ)
#2: Hoàn thiện tài khoản 100%
Cũng như Google, LinkedIn xếp hạng tài khoản của bạn trên trang tìm kiếm bằng thuật toán, và hiển nhiên việc có một tài khoản hoàn thiện 100% sẽ giúp bạn đứng ở thứ hạng cao hơn.
Mở tài khoản LinkedIn, bạn sẽ thấy ngay thanh “Profile Strength” với mức điểm cao nhất là “All-star”. Một khi đạt “All-star”, LinkedIn cho biết xác suất nhà tuyển dụng nhìn thấy tài khoản của bạn sẽ tăng lên đến 27 lần, lượt truy cập (traffic) đến từ Search, Feed và My Network cũng nhiều hơn gấp 3 lần.
#3: Cài Settings đúng chuẩn
Nếu ở Facebook hay Instagram, nhiều bạn thường để chế độ private (riêng tư) thì ở LinkedIn, mọi dữ kiện về bạn lại nên được public (công khai). Lý do là bởi ở một mạng xã hội dành riêng cho tuyển dụng như LinkedIn, việc bạn tăng được độ nhận diện, có được nhiều kết nối (connections) là vô cùng cần thiết. Vậy nên, hãy làm theo các bước sau để đảm bảo nhà tuyển dụng sẽ tìm thấy bạn nhé.
Đầu tiên, vào Account > Settings & Privacy > Privacy > Edit your public profile và chuyển các cài đặt thành:
Your profiles’ public visibility — On
Profile Photo — Public
Headline — Show
Websites — Show
Current Experience — Show
Details — Show
Past Experience — Show
Details — Show
Một điều cũng quan trọng không kém là bật mục Career Interests trong tài khoản của mình. Click vào Profile > Your Dashboard và bật Career interests — On để LinkedIn có thể tự động gợi ý cho bạn những công việc phù hợp nhé.
Bảy bước để có một tài khoản LinkedIn chỉn chu
Khi đã đảm bảo nhà tuyển dụng tìm thấy bạn, hãy cùng chúng mình khám phá cột mốc thứ hai: Làm thế nào để lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng trên LinkedIn. Bảy bước sau đây sẽ tương ứng với bảy mục của một tài khoản LinkedIn đầy đủ. Bạn cũng có thể coi như đây là hướng dẫn chi tiết để hoàn thành LinkedIn profile của mình nhé. Nào, cùng bắt đầu thôi!
#1 Header (gồm Cover photo, Profile picture, Headline, Intro, About)
1. Cover photo (Ảnh bìa)
Đây sẽ là một trong những ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn. Bạn có thể dùng bất cứ tấm hình nào, miễn là nó đủ chỉn chu và chuyên nghiệp — đúng với tính chất của LinkedIn. Nếu không có một bức ảnh nào đáp ứng yêu cầu trên, Got It khuyên bạn dùng cover mặc định của LinkedIn để tránh những “sự cố” đáng tiếc.
2. Profile picture (Ảnh đại diện)
Hãy chọn cho mình một bức ảnh profile thật chuyện nghiệp: rõ mặt, đủ sáng, độ phân giải cao. Một bức ảnh đại diện lý tưởng nên được chụp ngoài trời hoặc trong studio với biểu cảm lịch sự nhưng vẫn thoải mái và tự tin.
3. Headline (Tiêu đề) và Current Position (Vị trí công việc hiện tại)
Đây là dòng chữ đính kèm với tên bạn ở mọi nơi trên LinkedIn, và nhà tuyển dụng có thể nhìn vào để quyết định có bấm xem hồ sơ hay không.
Đơn giản và hiệu quả nhất, hãy dùng công thức: Vị trí hiện tại + từ khoá, kỹ năng, thành tích nổi bật
Ví dụ, ở đây bạn ghi chức danh là “Frontend Developer”, kèm với thành tích nổi bật như “1st Place Team, ACM-ICPC 2019”, đảm bảo sẽ thu hút được rất nhiều cú click từ các nhà tuyển dụng đấy.
4. Intro (Giới thiệu)
Nếu bạn đang tìm việc, hãy chuyển trạng thái thành “Looking for job opportunities” và điền các thông tin dưới đây. LinkedIn sẽ hiển thị thông tin này khi nhà tuyển dụng xem profile của bạn, đồng thời gợi ý những việc làm phù hợp.
5. About (Giới thiệu bản thân)
Hãy coi đây là phiên bản thu nhỏ của mục Objectives trong CV. Bạn có thể mô tả công việc mình đang tìm kiếm, mục tiêu cá nhân, một vài thành tựu nổi bật, hay thậm chí là thông tin liên lạc. Cũng giống như viết Objectives, hãy tránh dài dòng hoặc nói những điều quá sáo mòn.
Mục About có một phần Media cho phép bạn chèn link, ảnh, website, video, v.v. tuỳ thích. Hãy chèn link GitHub, Codeopen.io, website hoặc sản phẩm cá nhân để nhà tuyển dụng ngay lập tức thấy được kinh nghiệm của bạn nhé.
#2 Background (gồm Experience, Education, Licenses & Certifications, Volunteer Experience)
1. Experience (Kinh nghiệm)
Tương tự như ở CV, LinkedIn sẽ yêu cầu bạn điền vào các mục sau:
Title (Chức danh)
Company (Công ty)
Start Date & End Date (Ngày bắt đầu và Ngày kết thúc công việc)
Headline (Tiêu đề )
Description (Mô tả).
Hãy đầu tư vào mục Description để chỉ trong 1 cái lướt chuột, nhà tuyển dụng có thể nhận ra ngay bạn là ứng viên tiềm năng. Có 3 tips đơn giản như sau:
- Miêu tả công việc trong 3–5 gạch đầu dòng. Trừ khi có một câu chuyện thực sự xuất sắc, đừng viết cả một đoạn văn ở Description.
- Tận dụng tối đa từ khoá. Nhà tuyển dụng thường phải đọc rất nhiều hồ sơ một lúc, và họ sẽ nhìn vào từ khoá để phân loại thay vì đọc từng chữ. Hãy nhấn vào các từ khoá liên quan đến tech stack (JavaScript, Python, SQL, v.v.), công việc (developed, coordinated, designed, reviewed, v.v.), con số (3M+ customers, 10M+ sessions, v.v.).
- Dùng công thức “Accomplished X measured by Y by doing Z”.
Bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết cách mô tả kinh nghiệm tại bài Hướng dẫn viết CV từ A đến Z dành cho Software Engineer.
2. Education (Học vấn)
Thống kê từ LinkedIn cho thấy cơ hội nhà tuyển dụng tìm thấy bạn sẽ tăng gấp 11 lần khi cung cấp thông tin về trường học. Nếu ở CV, Got It khuyên bạn chỉ nên đưa tên trường Đại học thì ở LinkedIn, bạn hoàn toàn có thể ghi cả tên trường THPT nếu muốn. Tuy nhiên, không nên đưa các cấp học quá xa như Tiểu học, THCS bởi chúng không thực sự đem lại thông tin gì quan trọng.
Bật mí là qua các kỳ tuyển dụng, nhiều công ty sẽ rút ra một danh sách các trường có lượng sinh viên trúng tuyển cao, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của mình. Bởi vậy hãy tận dụng thông tin này nhé.
Ngoài ra, nếu bạn từng đạt học bổng, tham gia các khoá học đặc biệt hoặc có thành tích nổi bật, bạn cũng có thể upload chứng chỉ, xác nhận của các hoạt động đó trong phần của Media của mục Education.
3. Licenses & Certifications (Giấy phép, chứng chỉ)
Nếu bạn đã có chứng chỉ Agile hay các khoá học trực tuyến ở Udemy, Udacity, Coursera v.v., hãy liệt kê chúng để gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng, nhất là với các bạn học trái ngành. Chúng không chỉ cho thấy kỹ năng đa dạng, mà còn cho nhà tuyển dụng biết được sự chịu khó tìm tòi, học hỏi của bạn.
Vậy nên nếu chưa có cho mình một chứng chỉ nào thì hãy đi học ngay thôi nào! Bạn có thể tham khảo các khoá học online (miễn phí và trả phí) từ các trường Đại học danh giá bậc nhất thế giới được tổng hợp bởi Got It nhé.
4. Volunteer Experience (Kinh nghiệm tình nguyện)
Nếu ở CV, chúng mình thường khuyên không đưa các thông tin không liên quan đến vị trí ứng tuyển thì ở LinkedIn, bạn hoàn toàn có thể làm điều đó mà không cần quá e ngại. Bởi như đã nói, CV là bản tóm tắt gãy gọn nhất về bạn; còn LinkedIn lại giống như một hồ sơ đầy đủ, nơi bạn có thể liệt kê các thành tích của mình một cách thoải mái.
#3 Skills & Endorsements (Các kỹ năng và chứng thực)
LinkedIn cho phép bạn liệt kê tới… 50 kỹ năng trong tài khoản của mình mà không yêu cầu chấm điểm hay đánh giá mức độ thành thạo. Thế nhưng “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, việc cố gắng nhồi nhét nhiều từ khoá nhất có thể ngược lại sẽ khiến nhà tuyển dụng có kỳ vọng sai về bạn. Got It khuyên bạn nên để viết kỹ năng thành thạo nhất lên trước, bao gồm:
- Các kỹ năng ở mức thành thạo (Proficient): các kỹ năng mà bạn quen thuộc, đã sử dụng trong dự án thực tế, nắm rõ bản chất của chúng và có thể phỏng vấn về chúng ngay lập tức mà không cần luyện tập nhiều.
- Các kỹ năng ở mức quen thuộc (Familiar): các kỹ năng bạn đã từng học, nhưng chưa đào sâu hay thực hành nhiều. Bạn có thể trả lời những câu hỏi cơ bản, nhưng cần thêm thời gian ôn tập cho những câu hỏi nâng cao.
Bên cạnh đó, LinkedIn còn có chế độ Endorsements (Thừa nhận/Chứng thực), nghĩa là bất cứ ai trong network (mạng lưới) của bạn đều có thể chứng thực những kỹ năng bạn đã liệt kê. Hãy nhờ các đồng nghiệp và đối tác “endorse” mình trên LinkedIn để tăng độ tin cậy nhé.
#4 Accomplishments
Đúng như cái tên, Accomplishments đơn thuần là nơi bạn liệt kê các thành tích của mình, bao gồm:
- Publications (Ấn phẩm)
- Patents (Bằng sáng chế)
- Courses (Khoá học)
- Projects (Dự án)
- Honors & Awards (Giải thưởng, bằng khen)
- Test Scores (Điểm số)
- Languages (Ngôn ngữ)
- Organizations (Tổ chức)
Trong đó, Project (Dự án), Honors & Awards (Giải thưởng, bằng khen) và Languages (Ngôn ngữ) là những thông tin nhà tuyển dụng thường quan tâm nhất.
#5 Additional Information — Recommendations (Tiến cử)
Recommendations (Tiến cử) cho phép những người đã kết nối (connected) trên LinkedIn viết một đoạn nhận xét về bạn. Để so sánh thì Endorsements giống như nút like trên Facebook, còn Recommendations là bình luận đến từ những người thực sự yêu quý và ấn tượng về bạn. Người lý tưởng nhất để đưa ra Recommendations là sếp trực tiếp, thầy cô và các đồng nghiệp tiếp xúc thường xuyên trong công việc.
Mỗi tài khoản nên được recommend (tiến cử) bởi khoảng 3 người, mỗi người nên nhận xét ít nhất 3 câu về kỹ năng, thành tích nổi bật hoặc những ấn tượng về tác phong làm việc của bạn.
Cho đi để nhận lại, bạn cũng có thể chủ động tiến cử đồng nghiệp của mình trên LinkedIn bằng cách truy cập vào tài khoản của họ, click vào More -> Recommend và để lại những lời nhận xét thật hữu ích nhé.
#6 Supported Languages
Tuy LinkedIn chưa hoàn toàn hỗ trợ tiếng Việt, nhưng bạn vẫn có thể tạo một phiên bản Việt hoá bằng cách click vào Supported Languages điền họ tên, tiêu đề, mô tả công việc, chức danh bằng tiếng Việt.
Điều này giúp LinkedIn kết nối bạn với những người có chung ngôn ngữ, một điều khá có lợi nếu bạn đang muốn tìm việc ở một đất nước cụ thể (mà ở đây là Việt Nam).
Một vài lời khuyên khác
Chỉnh sửa đường link LinkedIn của bạn
Như đã nói trong bài Hướng dẫn viết CV từ A đến Z, username của các tài khoản email, Skype, LinkedIn và GitHub nên trùng nhau để nhà tuyển dụng không bị nhầm lẫn và bạn dễ gây được ấn tượng chuyên nghiệp.
Để đường link LinkedIn của bạn không phải một con số mặc định khó nhớ, hãy chỉnh sửa nó bằng cách:
- Click vào phần Me ở thanh công cụ nằm ngang ở phía trên màn hình
- Chọn View profile
- Chọn Edit public profile & URL ở cột bên phải màn hình
- Chọn Edit your custom URL ở cột bên phải của màn hình tiếp theo và chọn icon bút chì để chỉnh sửa đường link
- Lưu bằng nút Save.
Như trong ví dụ này, mình sẽ xoá phần số -a2b6701a5 để đường link trông ngắn gọn, dễ đưa vào CV hơn.
Điền đầy đủ thông tin liên lạc
Ngay cạnh phần Headline, bạn sẽ thấy mục Contact Info có dạng như sau:
Bên cạnh việc đưa thông tin liên lạc, hãy luôn nhớ đính kèm 3 thông tin sau (đối với vị trí Software Engineer):
- Website cá nhân
- GitHub
- Các sản phẩm/dự án đã làm
Chúng sẽ cho nhà tuyển dụng thấy không chỉ kinh nghiệm mà còn cả kỹ năng, tư duy, phong cách làm việc mà không phải giải thích dài dòng. Nếu bạn ngại cung cấp số điện thoại thì hãy để lại một địa chỉ liên lạc khác (email, Skype, v.v.) để nhà tuyển dụng có thể tìm đến bạn khi cần thiết nhé!
Một vài Q&A thường gặp
Nếu mình chưa có kinh nghiệm thì sao?
Nếu là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, hãy tin rằng nhà tuyển dụng hoàn toàn hiểu rằng bạn sẽ có rất ít, thậm chí là chưa có kinh nghiệm gì. Khi đó, ta có 3 cách để hoàn thiện LinkedIn:
- Điền tên các khoá học, dự án nhóm hoặc cá nhân, bài tập lớn v.v. mà bạn đã tham gia. Có thể bạn chỉ coi đây là những cuộc dạo chơi nho nhỏ, nhưng rất có thể nhà tuyển dụng sẽ hứng thú với chính những điều nho nhỏ ấy đấy.
- Điền cả những kinh nghiệm tưởng chừng như không liên quan đến vị trí ứng tuyển (ví dụ như gia sư, trợ lý cho khoa, trợ lý cho thầy cô, thực tập sinh marketing v.v.). LinkedIn cho phép bạn tự do ghi bất cứ điều gì, hãy tận dụng điều đó để đưa mọi thông tin có lợi cho bạn. Bởi dù chưa có kinh nghiệm chuyên ngành thì việc từng đi làm vẫn giúp bạn có thêm kiến thức về môi trường làm việc, về cách tiếp nhận và xử lý các nhiệm vụ khác nhau.
- Nếu chưa có kinh nghiệm, thì đây chính là lúc bạn bắt đầu tích luỹ. Một chuyện rất hiển nhiên phải không nào? Thay vì đặt câu hỏi “Không có kinh nghiệm thì viết CV/LinkedIn thế nào?”, sao ta không bắt tay luôn vào một dự án nào đó? Hai cách kể trên chỉ là biện pháp tình thế, nhưng để có kinh nghiệm, bạn chỉ có một cách duy nhất là lao vào làm. Nhất là đối với các bạn từ ngành khác muốn chuyển sang IT, thì chỉ có học và làm mới giúp bạn cạnh tranh được với rất nhiều ứng viên khác trong cuộc đua tuyển dụng.
LinkedIn có nên khớp với CV?
Câu trả lời là không và có.
Không về độ dài. CV chỉ nên dài khoảng 1 trang, còn LinkedIn thì không giới hạn. Bạn chỉ nên đưa vào CV những gì chắt lọc nhất, liên quan mật thiết đến vị trí ứng tuyển; còn LinkedIn giống như một cuốn sách để bạn ghi lại hành trình làm việc và học tập của mình.
Có về nội dung. Hãy đảm bảo mọi nội dung trong CV đều có trên LinkedIn của bạn, sau đó hẵng đưa thêm những thông tin khác. Bạn có thể đọc lại bài hướng dẫn viết CV từ A đến Z để áp dụng vào LinkedIn.
Còn GitHub thì sao?
Nếu bạn là một kỹ sư phần mềm thì hiển nhiên không thể thiếu GitHub (hoặc các tài khoản tương tự như GitLab, BitBucket v.v.). Có câu “A picture is worth a thousand words” (một bức tranh bằng cả ngàn lời nói) thì đối với kỹ sư lập trình, GitHub cũng vậy. Việc tút tát GitHub cho thật đẹp trước khi đưa vào CV hay LinkedIn có thể dẫn đến kết quả khác nhau một trời một vực. Hãy đón chờ bài viết tiếp theo của chúng mình để xem một GitHub như thế nào là “đẹp” nhé!
Nếu bạn quan tâm, hãy xem các vị trí đang tuyển dụng của Got It và đọc thêm về quy trình tuyển dụng tại đây.
Tìm hiểu thêm về Got It tại:
[…] đã hứa ở bài viết LinkedIn — vũ khí bí mật khi tìm việc online, ở bài viết tiếp theo này, hãy cùng Got It bàn về Git và GitHub — hai công cụ […]